Dấu ấn Đoàn Thị Điểm

Nguyễn Lê Thùy Dương lớp 6C1

Sau khi phát động cuộc thi viết “Cảm xúc tháng 11”, Nhà trường đã nhận được rất nhiều bài viết rất chân thành và xúc động của các con học sinh. Đó chính là tâm tư, tình cảm của các con dành cho những người thầy – người cha, người mẹ thứ hai của mình. Trong những dòng tâm sự ấy, Ban biên tập xin gửi tới bạn đọc những bài viết mang đậm dấu ấn ấy của các con học sinh trong toàn trường.

Dưới đây là bài đạt giải đặc biệt cuộc thi “Cảm xúc tháng 11” của học sinh Nguyễn Lê Thùy Dương lớp 6C1. Hãy cùng cảm nhận “ngày đẹp nhất” với bạn Dương nhé!

"NGÀY ĐẸP NHẤT" 
“Ngày…tháng…năm…

 

…Mình tự hỏi, ngày đẹp nhất của mình sẽ là ngày như thế nào nhỉ?”

Tôi viết xong dòng chữ mà băn khoăn , suy nghĩ nhiều lắm. Thật khó hiểu tại sao câu hỏi đó lại xuất hiện trong đầu tôi

“Ngày… tháng…năm…

 Hôm nay bạn thân nhất của mình được đi chơi xa về và đã tặng mình một chú gấu bông thật đẹp. Mình thích lắm và cứ cảm ơn bạn mãi. Ngày đẹp nhất đây sao ... hình như chưa phải ”

“Ngày…tháng…năm

 Hôm nay là ngày nghỉ , cả gia đình mình đã có một chuyến dã ngoại vui vẻ. Mọi ý thích của mình đều được bố mẹ đáp ứng. Niềm vui còn mãi đến tận lúc lên giường đi ngủ. Mình còn có giấc mơ thật đẹp nữa chứ ! Đúng ngày đẹp nhất đây rồi ... nhưng hình như vẫn thấy giống một một niềm vui đã có. Ngày đẹp nhất cũng không phải hôm nay.”

Tôi đã tốn hàng chục trang giấy nhưng kết thúc của mỗi trang vẫn giống nhau. “Ngày đẹp nhất” vẫn chưa xuất hiện trong cuốn nhật kí của tôi.

 Cho đến một hôm nọ…

 “Kít”- chiếc xe buýt của trường phanh lại. Cánh cửa mở ra, mười mấy bạn học sinh ào xuống bến. Tôi chậm chạp hơn nên xuống cuối. Lũ bạn không còn đứng đó để đi cùng nữa. Vậy là tôi tha thẩn bước trên vỉa hè một mình, mắt mơ màng nhìn xung quanh. Cặp kính của tôi dừng lại ở một lớp học nhỏ bé bên đường. Tôi cố kiễng chân lên, ghé mắt nhìn qua ô của sổ. Lớp học có khoảng 10 đứa bé chân tay gầy gò, đen nhẻm, còn cô giáo thì đang hết sức tận tình giảng bài cho chúng. Tôi nghĩ: “Lạ thật. Từ hồi mới chuyển đến sống ở đây, mình chưa bao giờ thấy lớp học này cả”. Và thế là tôi lại ngó vào ô cửa sổ đó một lần nữa. Trông những em bé kia đang rất chăm chú tới từng lời giảng của cô. Chúng hí hoáy ghi chép và sôi nổi giơ tay phát biểu. Rồi tôi nhìn kĩ vào một trong số các em học sinh. Và khóc nấc lên. Bàn tay em không bình thường. Chúng cong queo, những ngón tay thì xương xẩu. Thế nhưng em vẫn cố gắng không ngừng uốn tay cho thẳng để viết bài. Đôi mắt thơ dại rớm lệ: em đang khóc vì đau đớn. Em đang chịu một nỗi đau khủng khiếp. Đôi bàn tay đỏ ửng lên. Tôi nhìn mà thấy xót xa. Em (và cả tôi) biết rằng, để uốn thẳng đôi bàn tay kia là điều không thể. Nhưng em đã ráng chịu. Em vượt qua nỗi đau một cách phi thường. Và rồi, tôi nhìn khắp xung quanh lớp học. Em học sinh kia không phải là người duy nhất bị dị tật. Nước mắt tôi làm nhòe cặp kính. Tôi không hiều tại sao tôi không thể dời mắt khỏi ô cửa sổ này được. Một cái gì đó níu tôi lại, bắt tôi phải tiếp tục quan sát. Tôi lau mắt kính vào vạt áo rồi lại dán mắt vào ô cửa sổ. Lần này, tôi không chỉ nhìn mà còn cố gắng lắng tai nghe.

 Một tiếng chuông nhỏ vang lên. Cả lớp gom hết sách vở, bút thước vào những chiếc túi nilon nhỏ. Và những quyển sách đập vào mắt tôi. Chúng sờn rách, cũ kĩ, nằm chồng lên những cái bút, cây thước phần lớn đã cũ nhưng tất cả đều được bảo quản cẩn thận. Tôi đoán rằng giờ học đã hết, và tôi nên rảo bước đi là vừa. Đôi chân vẫn như chững lại. Tôi muốn có mấy phút trong ngày để quan sát hiện tượng kia mà nhìn lại chính mình. Và thế là tôi nấp vào một góc để chờ nhìn thấy, để có thể quan sát rõ. Nhưng lớp chưa giải tán. Và thế là tôi lại nhanh chân, ghé mắt vào ô cửa sổ. Cô giáo đặt một cái thùng giấy to lên bàn, rồi lấy từng chiếc áo trong đó chia cho các em. Các em học sinh nâng niu những chiếc áo ấy lắm. Khi cô giáo phát đến tay em nào, em ấy lại ôm cổ rồi hôn vào má cô, cúi người kính cẩn cảm ơn cô. Rồi tôi chợt nhớ, sắp đến ngày 20/11, và cô lại là người đang phát cho học sinh những món quà ý nghĩa...

Chỉ vài phút sau, cánh của lớp bật mở và các em học sinh bịn rịn chia tay nhau, như thể cả ngàn năm nữa, các em sẽ không được gặp nhau. Tôi nhìn không chớp mắt. Và dần dần, tôi hiểu tại sao lại có buổi chia tay như vậy. Vì sau lớp học này, các em sẽ trở về với cuộc sống bình thường: lao động cực nhọc, có em phải đi ăn xin. Nhưng trên tay các em, mỗi người vẫn cầm một cái áo, cái áo của niềm vui…

 Tôi lại quay gót về nhà, mắt trào lệ, trong đầu không cách nào xóa được câu chuyện mình vừa thấy. Tôi cảm thấy thương những em học sinh kia, khâm phục các em và cả kính nể cô giáo- người đã bỏ qua những dị tật trên người em học sinh mà chỉ nhìn vào tương lai của những đứa trẻ này. Trong tâm trí tôi vẫn là cảnh tượng của em học sinh kia oằn mình để chống chọi với bệnh tật và say sưa học hay hình ảnh các em ôm ấp từng chiếc áo mới - kho báu tí hon. Như một bức tranh- bức tranh sống động chứa chan tình cảm thầy trò…

 Và tối hôm đó, tôi đã tự hào viết trong cuốn nhật ký:

 “Ngày…tháng…năm

 Hôm nay, mình đã tìm được ngày đẹp nhất. Trái tim mình như được sưởi ấm. Nước mắt mình đã trào ra những giọt lệ hạnh phúc. Mình đã biết yêu thương và dành tình cảm cho những người không được may mắn như mình. Mình đã nhìn thấy một bức tranh đẹp và ý nghĩa được tô màu bởi tấm lòng của một nhà giáo có trái tim thật nhân hậu. Vậy đó chẳng phải là mình vừa có ngày đẹp nhất hay sao?”

Nguyễn Lê Thùy Dương - lớp 6C1
Tag: